Hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động là một loại phương tiện PCCC được trang bị cho các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy nổ và do chính cơ sở quản lý để phục vụ công tác đảm an toàn PCCC trong quá trình hoạt động của mình. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn và kiểm tra, đề xuất về chuyên môn nhằm đảm bảo cho các phương tiện đó luôn trong tình trạng thường trực sẵn sàng. Do đó, cơ quan quản lý chủ yếu thực hiện nội dung quản lý đối với các phương tiện báo cháy, chữa cháy tự động trên cơ sở các chức năng thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra an toàn PCCC và kiểm định phương tiện PCCC.

Quản lý trong thẩm duyệt thiết kế hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động
Thẩm duyệt thiết kế hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động là một bộ phận của công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình. Ngay từ khâu thiết kế đầu tư xây dựng công trình, dự án cơ quan quản lý phải hướng dẫn cơ sở làm tốt công tác hồ sơ xin thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bao gồm các bản vẽ thiết kế kiến trúc, xây dựng, điện, nước,… và các hệ thống kỹ thuật đảm bảo an toàn PCCC cho công trình trong đó có hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động và các giấy tờ thủ tục hành chính kèm theo.
Đối tượng áp dụng và trách nhiệm giải quyết
– Các dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng.
– Các Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (bao gồm tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiển về cháy, nổ) khi chế tạo mới hoặc hoán cải.
– Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCCC các Tỉnh, Thành phố hoặc Đội kiểm tra hoặc Đội Tham mưu, Tổng hợp – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các Tỉnh, Thành phố chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các đối tượng nêu trên.
Tiếp nhận và chuyển giao hồ sơ
– Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy gồm 02 bộ đúng theo mẫu quy định, có xác nhận của Chủ đầu tư, chủ phương tiện, nếu hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch phần thuyết minh ra tiếng Việt kèm theo. Hồ sơ thiết kế phải do đơn vị tư vấn thiết kế có đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện.
– Khi nộp hồ sơ, người đến nộp phải là người đại diện Chủ đầu tư hoặc đơn vị, cá nhân được Chủ đầu tư ủy quyền bằng văn bản. Đơn vị, cá nhân được ủy quyền phải liên quan trực tiếp đến dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới để nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (đơn vị thiết kế, thi công,….).
– Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCC Tỉnh, Thành phố hoặc Đội Kiểm tra hoặc Đội Tham mưu, Tổng hợp – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Tỉnh, Thành Phố phân công cán bộ tiếp nhận, thu phí thẩm duyệt thiết kế về PCCC và sẽ trả hồ sơ theo quy định.
– Đối với hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công an theo phân cấp (quy định tại Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 66/2014/TT-BCA), cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn Chủ đầu tư liên hệ với C66-BCA để được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Quản lý trong kiểm tra nghiệm thu hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động
Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động sau khi lắp đặt xong, trước khi đưa vào sử dụng phải được nghiệm thu. Nghiệm thu hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động có thể tiến hành đồng thời với việc nghiệm thu toàn bộ công trình hoặc tiến hành độc lập khi nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy do công trình và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP như sau:
Thành phần đoàn kiểm tra nghiệm thu
Tham gia nghiệm thu, ngoài Lãnh đạo đại diện chủ đầu tư, phải có các đơn vị như đơn vị thi công liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, đơn vị tư vấn giám sát (nếu có) hoặc cán bộ được phân công giám sát công trình thuộc chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và cơ quan quản lý về PCCC bao gồm các thành phần sau:
– Đối với sở Cảnh sát PCCC các Tỉnh, Thành phố: tùy thuộc vào tính chất quy mô của công trình và phân cấp quản lý cơ sở mà thành phần tham gia nghiệm thu gồm:
- Đại diện Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC Tỉnh, Thành phố.
- Đại diện Lãnh đạo Phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy; Phòng Tham mưu; Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy; Phòng Cứu nạn, cứu hộ; và Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện, thị xã.
- Đại diện Ban Chỉ huy Đội hướng dẫn thẩm duyệt về PCCC.
- Đại diện Ban Chỉ huy Đội hướng dẫn kiểm tra an toàn về PCCC.
- Cán bộ thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy cho công trình.
- Cán bộ kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy quản lý cơ sở.
- Cán bộ kiểm tra an toàn PCCC quản lý địa bàn.
– Đối với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an các Tỉnh, Thành phố, thành phần tham gia nghiệm thu gồm:
- Trưởng phòng hoặc Phó Trường phòng phụ trách công tác kiểm tra.
- Đại diện Ban Chỉ huy Đội Kiểm tra an toàn PCCC.
- Đại diện Ban Chỉ huy Đội Tham mưu, Tổng hợp.
- Cán bộ thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy cho công trình.
- Cán bộ kiểm tra an toàn PCCC quản lý địa bàn.
Trình tự và nội dung kiểm tra nghiệm thu hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động
Nội dung kiểm tra nghiệm thu hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động của cơ quan Cảnh sát PCCC (Căn cứ Điểm C Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP).

Quản lý trong kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động
Kiểm tra hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động bao gồm kiểm tra trong quá trình thi công và kiểm tra trong quá trình hoạt động. Mục đích của quá trình kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động là:
- Phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng, sự cố trong quá trình hoạt động của hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.
- Phát hiện những vi phạm trong quá trình thi công lắp đặt cũng như trong quá trình khai thác, sử dụng hệ thống.
- Khẳng định được tính nguyên vẹn, số lượng, vị trí, chủng loại,… nhãn mác của các thiết bị và sự phù hợp của hệ thống với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.
- Giúp cơ sở duy trì sự hoạt động và thường trực sẵn sàng của hệ thống, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành PCCC của cơ sở.
- Thực hiện đúng, đủ khối lượng công việc theo các chế độ kiểm tra: kiểm tra thi công, kiểm tra hoạt động thường xuyên, định kỳ,…
- Đối với kiểm tra thi công phải được thực hiện ít nhất một lần trong giai đoạn thi công và được kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu lắp đặt sai thiết kế được duyệt.
- Trong quá trình hoạt động, tùy thuộc vào điều kiện làm việc nhưng ít nhất một năm một lần hệ thống báo cháy tự động phải được kiểm tra lại toàn bộ. Khi kiểm tra phải thử toàn bộ các chức năng của hệ thống và phải thử sự hoạt động của tất cả các thiết bị báo cháy.
Quản lý trong kiểm định phương tiện PCCC
– Việc kiểm định, cấp và thu hồi giấy chứng nhận an toàn phương tiện PCCC là một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC đã được Luật PCCC năm 2001, Luật PCCC sửa đổi bổ sung một số điều năm 2014, Nghị định 79/2004/ND-CP và thông tư hướng dẫn số 66/2004/TT-BCA quy định rõ thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Theo đó, các phương tiện PCCC lắp đặt cho nhà và công trình phải được kiểm định trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng.
– Phân cấp kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy, tại điểm a, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/09/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã quy định rõ các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự gồm các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Cục trực thuộc Bộ trưởng. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công an mới chỉ giao nhiệm vụ kiểm định phương tiện PCCC cho hai cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH và Các Cảnh sát PC&CC, nhưng theo phân cấp (Bộ đang nghiên cứu phân cấp).
– Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
– Giám đốc Cảnh sát PCCC cấp tỉnh thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy quy định tại các mục 2, 7, 8 và 9 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, các loại máy bơm chữa cháy của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy khác do Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có văn bản ủy quyền kiểm định.
– Các đơn vị khác được Bộ Công an cho phép thực hiện kiểm định đối với phương tiện PCCC quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Sau khi có kết quả kiểm định phải gửi công văn kèm theo biên bản kiểm định đề nghị Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH hoặc Giám đốc Cảnh sát PC&CC cấp tỉnh theo thẩm quyền kiểm định để xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định.
– Nội dung và phương thức kiểm định:
- Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy chữa cháy.
- Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
- Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện.
- Kiểm tra chủng loại, mẫu mã phương tiện.
- Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm theo phương pháp lấy mẫu xác xuất; đối với mỗi lô hàng cùng chủng loại, mẫu mã tiến hành kiểm định không quá 5% số lượng phương tiện cần kiểm định, nhưng không ít hơn 10 mẫu; trường hợp kiểm định dưới 10 phương tiện thì kiểm định toàn bộ.
- Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định phương tiện (mẫu số PC18).
- Mỗi phương tiện phòng cháy chữa cháy chỉ phải kiểm định một lần, nếu đạt kết quả sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy (mẫu số PC19) và dán tem kiểm định (mẫu số PC20).
– Hồ sơ đề nghị kiểm định, gồm:
- Đơn đề nghị kiểm định phương tiện (mẫu số PC17).
- Các tài liệu kỹ thuật của phương tiện đề nghị kiểm định.
- Chứng nhận chất lượng của phương tiện (nếu có).
- Chứng nhận xuất xưởng của phương tiện.
– Hồ sơ đề nghị kiểm định nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm định và cung cấp mẫu phương tiện cần kiểm định cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH.
– Chậm nhất không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và mẫu phương tiện cần kiểm định, cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền phải có kết quả và trả kết quả kiểm định. Đối với các phương tiện khi kiểm định phải phụ thuộc vào việc lắp đặt hệ thống đồng bộ phương tiện thì cơ quan tiến hành kiểm định cần thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định biết và thống nhất thời gian trả kết quả kiểm định.
– Chậm nhất không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn kèm theo biên bản kiểm định của đơn vị kiểm định phương tiện PCCC quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này, cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền phải xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
– Cục Cảnh sát PCCC&CNCH xây dựng, ban hành quy trình kiểm định, quản lý và hướng dẫn thực hiện việc kiểm định đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn nắm rõ được các quy định và quy trình, cũng như nội dung quản lý các phương tiện PCCC cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nếu bạn có nhu cầu mua và lắp đặt các thiết bị báo cháy GST chính hãng, liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn đặt hàng nhanh chóng.